Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục mầm non cần được đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và địa phương, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của giáo dục mầm non. Nghiên cứu này phân tích các cơ sở lý luận về quản lý huy động nguồn lực cho giáo dục mầm non, làm rõ nội dung quản lý huy động nguồn lực thông qua bốn giai đoạn: (1) Lập kế hoạch huy động nguồn lực; (2) Tổ chức triển khai; (3) Chỉ đạo thực hiện; (4) Đánh giá, phản hồi và cải tiến. Kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong bối cảnh hiện nay.