Rừng ngập mặn (RNM) có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái và sinh kế người dân ven biển, vì vậy, vấn đề phục hồi và mở rộng diện tích rừng ngập mặn đang được quan tâm. Trong nghiên cứu này, công nghệ GIS được ứng dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu và hỗ trợ đánh giá thích nghi sinh thái cho cây bần chua (Sonneratia caseolaris (L.) Engl.). Kết quả nghiên cứu đã xác lập được 16 chỉ tiêu thuộc 4 nhóm tiêu chí, gồm: (i) Loại đất ngập mặn, (ii) Thể nền và thành phần cơ giới, (iii) Độ sâu ngập triều, (iv) Hiện trạng rừng ngập mặn. Trong 127 đơn vị đất đai (ĐVĐĐ) được phân hạng, có 77 ĐVĐĐ Rất thích nghi (S1), 20 ĐVĐĐ Thích nghi trung bình (S2), 30 ĐVĐĐ Không thích nghi (N); 0 ĐVĐĐ Ít thích nghi (N3) đối với cây bần chua trên địa bàn nghiên cứu. Đây là cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch phát triển rừng ngập mặn vùng ven biển tỉnh Nghệ An.